Mới đây, UBND. TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt Chương trình Năng lượng xanh đến năm 2015, trong đó nhấn mạnh mục tiêu phát triển nguồn “điện sạch” từ năng lượng mới, năng lượng tái tạo có tỉ lệ công suất điện chiếm hơn 1% công suất tiêu thụ toàn thành phố, tương đương 48MW (theo quy hoạch điện lực TP. HCM, đến năm 2015 công suất tiêu thụ điện toàn thành phố là 4.800MW). Liệu mục tiêu 1% khiêm tốn này có khả thi?
Theo UBND TP. HCM, để thực hiện thành công Chương trình Năng lượng xanh cho thành phố đến năm 2015 cần thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và khuyến khích sử dụng năng lượng mới thân thiện với môi trường. Không những vậy, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng nâng cao nhận thức của xã hội về sử dụng năng lượng tiết kiệm và năng lượng xanh.
Ngoài ra, UBND TP. HCM nhấn mạnh việc áp dụng các biện pháp quản lý, kỹ thuật và khoa học công nghệ nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng của các thiết bị, phương tiện cũng hết sức cần thiết. Và một yếu tố mang tính thiết yếu là cần nâng cao hiệu quả nghiên cứu, sử dụng, phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch nhằm bảo vệ môi trường.
Chương trình Năng lượng xanh cho TP. HCM cũng đặt ra chỉ tiêu tiết kiệm điện trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 là 2% so với sản lượng điện thương phẩm. Riêng trong năm 2012 sản lượng điện tiết kiệm phấn đấu đạt 400 triệu kWh. Được biết trong giai đoạn 2007-2011, TP. HCM đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng như: Tiết kiệm hơn 1.043 triệu kWh điện, chiếm hơn 1,2% sản lượng điện thương phẩm, tương đương hơn 1.000 tỉ đồng. Riêng trong năm 2011 là năm có sản lượng điện tiết kiệm toàn thành phố cao nhất đạt 391,3 triệu kWh điện, chiếm 2,5% điện thương phẩm và tăng 76% so với cùng kỳ.
Vấn đề đặt ra hiện nay là mục tiêu phát triển nguồn “năng lượng xanh và sạch” có tỉ lệ công suất điện chiếm hơn 1% (tương đương 48MW) công suất tiêu thụ toàn thành phố liệu có dễ dàng trở thành hiện thực hay không ? Liệu có những rào cản nào đối với việc phát triển nguồn “điện sạch” ra ngoài thị trường cũng như ứng dụng vào thực tế?
Với nguồn năng lượng mặt trời, theo thống kê tại TP. HCM cho thấy, tính đến nay hầu như chưa có công sở nhà nước sử dụng năng lượng mặt trời. Chỉ có một số ít ỏi nhà dân, doanh nghiệp mạnh dạn sử dụng hoặc bỏ vốn đầu tư công nghệ sản xuất thiết bị sử dụng điện năng lượng mặt trời.
Điển hình vào cuối tháng 4/2012 vừa qua, hãng Intel Việt Nam đã khánh thành hệ thống điện mặt trời tại nhà máy lắp ráp và kiểm định chip tại Khu Công nghệ Cao TP. HCM. Hệ thống điện mặt trời tại Intel Việt Nam được làm từ 1.092 tấm năng lượng mặt trời cùng 21 bộ biến điện có khả năng phát được 321.000 KWh điện và hạn chế tới 221 tấn khí CO2 thải ra hàng năm. Hệ thống điện mặt trời này có công suất 200 KWp, là hệ thống điện mặt trời đầu tiên và duy nhất của Intel tại Châu Á và là hệ thống lớn thứ 6 trong 15 hệ thống điện năng lượng mặt trời của Intel trên toàn cầu. Đây chính là một cột mốc quan trọng trong cam kết của Intel về việc nâng cao tỉ lệ sử dụng năng lượng sạch tại TP. HCM, giảm thiểu tối đa lượng khí carbon thải ra từ nhà máy.
Trước đó, đã từng có một dự án xây dựng nhà máy sản xuất tấm thu năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam do Công ty First Solar (công ty hàng đầu về sản xuất pin năng lượng mặt trời của Mỹ) khởi công xây dựng vào tháng 3/2011 tại Khu công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi, TP. HCM) với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD. Sau đó First Solar đã buộc phải tạm hoãn việc sản xuất, khai thác nhà máy này có một phần là do mặt hàng pin năng lượng mặt trời có xuất xứ từ Trung Quốc đang tràn ngập thị trường.
Hiện thành phố có nhà máy phát điện sử dụng năng lượng tái tạo từ bãi rác Gò Cát (quận Bình Tân, TP. HCM với công suất chỉ có 2MW. Đây là nhà máy đầu tiên sản xuất điện từ rác, đi vào hoạt động khá thành công từ tháng 7/2005 đến nay và được hòa lên lưới. Ngoài ra, vẫn còn nhiều bãi chôn lấp rác được dự kiến xây thêm nhà máy phát điện từ rác với công suất còn lớn hơn nhiều lần bãi rác Gò Cát như bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh) với công suất khoảng 7 MW, bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) với công suất 7 MW hoặc tiềm năng như các bãi chôn lấp hàng triệu tấn rác ở Phước Hiệp 1 (huyện Củ Chi).
Theo các chuyên gia, riêng mức giảm phát thải tại bãi rác Đông Thạnh là gần 2,4 triệu tấn CO2 nếu được đầu tư nhà máy phát điện. Theo ước tính, mỗi ngày một chợ đầu mối ở TP. HCM thải ra khoảng 50 tấn rác, trong đó 95% là rác hữu cơ, đây chính là nguồn nguyên liệu để thu khí phát điện. Mức vốn đầu tư cho một dự án nhà máy phát điện từ rác thải khoảng 3-4 triệu USD. Đáng chú ý ngoài việc có thêm nguồn điện, các dự án này còn giúp tiết kiệm chi phí thu gom rác khoảng 300 triệu đồng/tháng.
Riêng các dự án sản xuất điện từ khí biogas tận thu được của chất thải vật nuôi có giá thành sản xuất thấp nhưng cho đến nay chỉ mới phát triển và cung ứng điện phổ biến ở quy mô gia đình. Có thể nói việc tập trung vào năng lượng tái sinh là một việc làm rất cần thiết, cần quan tâm đầy đủ các yếu tố môi trường tới việc làm cho nguồn năng lượng này trở nên sạch hơn.
Cùng với mục tiêu phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, từ cuối năm 2011, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng Công ty Điện lực TP. HCM, Công ty Neptech và Công ty YnS – OCBM (Nga) đã hợp tác thành lập một công ty chuyên sản xuất các thiết bị điện gió cung cấp cho các dự án điện gió trên cả nước đồng thời xuất khẩu. Hiện công ty sản xuất thử nghiệm 3 trụ điện gió theo công nghệ YNS của Nga với tổng giá trị 4,8 triệu USD, trong đó có 2 trụ được đặt tại huyện Cần Giờ (TP. HCM).
Tháng 4/2012 vừa qua, Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý đã đề xuất UBND TP HCM cho phép triển khai dự án điện gió công suất 200 MW với tổng vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng tại thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ). Qua khảo sát ở Cần Giờ có tốc độ gió trên 7m/giây, phù hợp với việc phát triển điện gió, tạo thêm nguồn năng lượng tái tạo cho thành phố. Nếu được phép triển khai, công ty này sẽ lắp đặt 125 turbin gió kéo dài 20km chạy dọc theo bãi biển Cần Thạnh, và các turbin gió sẽ do phía Công ty GE (Mỹ) cung cấp và lắp đặt. Thời gian xây dựng của dự án này khoảng 3-4 năm.Dự kiến nguồn vốn cho dự án điện gió tại Cần Giờ cũng sẽ do phía Ex-Im Bank của Mỹ cho vay trong thời gian là 22 năm.
Dự định sẽ mất khoảng 12 năm thì công ty sẽ thu hồi được vốn. Lãnh đạo UBND TP HCM đã yêu cầu doanh nghiệp này đánh giá và báo cáo thêm các tác động môi trường sinh thái đối với khu vực Cần Giờ và phải được Bộ Tài Nguyên và Môi Trường thông qua trước khi được UBND Thành phố chấp thuận.
Theo các chuyên gia trở ngại lớn nhất để có nguồn năng lượng xanh cho TP. HCM chính là vấn đề chi phí sản xuất điện và giá cả có phù hợp với thị trường phát điện cạnh tranh hay không? Bởi vì vấn đề chi phí đầu tư cho nguồn “điện sạch” như: năng lượng mặt trời, điện gió, năng lượng tái tạo, địa nhiệt và nhiên liệu sinh học… thực tế vẫn còn khá cao so với mặt bằng chung của thị trường, vượt xa khả năng tài chính, huy động vốn của các nhà đầu tư trong khi khả năng thu hồi vốn và có lợi nhuận không phải là chuyện “một sớm một chiều”.
Đây chính là một trong những rào cản chính cản trở năng lượng xanh phát triển ở TP. HCM. Do đó, để phát triển năng lượng xanh cho TP. HCM thì vấn đề then chốt là giảm chi phí đầu tư. Để làm được điều đó, không chỉ đơn giản là chỉ tiêu 1% nguồn “điện sạch”, nên chăng TP. HCM cần đưa ra lộ trình chi tiết hơn quy hoạch phát triển nguồn năng lượng thân thiện với môi trường cũng như cần thiết có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi hợp lý cho các nhà đầu tư có động lực rót vốn vào nguồn “điện sạch” nhằm đưa TP. HCM trở thành địa phương đi tiên phong trong ứng dụng năng lượng xanh của cả nước.
Theo: petrotimes.vn